MACD là một trong những chỉ báo kỹ thuật được dùng phổ biến nhất trong Forex. Đây là công cụ được rất nhiều nhà giao dịch sử dụng để đo lường động lượng của xu hướng, sức mạnh của xu hướng, từ đó tìm ra các cơ hội giao dịch thuận lợi hơn. Trong bài viết này, hãy cùng nhau làm tìm hiểu MACD là gì và khám phá ba chiến lược ứng dụng chỉ báo MACD trong giao dịch Forex phổ biến nhất.
Nội dung chính bài viết
MACD là gì?
MACD là viết tắt của “Moving Average Convergence Divergence”, hay còn gọi là Trung Bình Động Phân Kỳ/Hội Tụ, được Gerald Appel phát minh vào 1979, và từ đó đã trở thành một trong những chỉ báo kỹ thuật được dùng nhiều nhất trong giao dịch Forex.
Ý tưởng xây dựng chỉ báo MACD rất đơn giản, bằng cách lấy đường trung bình động chậm trừ cho đường trung bình động nhanh, từ đó có thể chuyển đổi chỉ báo xu hướng (trend) thành chỉ báo xung lượng (momentum).
Hình: Chỉ báo MACD với đường MACD (xanh dương), đường tín hiệu (đỏ) và biểu đồ Histogram (biểu đồ thanh hai màu đỏ – xanh lá)
Nhờ tính đơn giản, linh hoạt và cung cấp được nhiều tín hiệu giao dịch, chỉ báo MACD được rất nhiều nhà giao dịch lựa chọn để xây dựng chiến lược giao dịch của mình.
Chỉ báo MACD hoạt động như thế nào
Chỉ báo MACD hoạt động nhờ ba thành phần: đường MACD, đường tín hiệu (Signal Line) và biểu đồ Histogram. Hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa từng thành phần để nắm vững cách sử dụng chỉ báo MACD chính xác nhất nhé.
Hình: Các thành phần của chỉ báo MACD
Đường MACD
MACD được hình thành từ hai đường trung bình động hàm mũ (EMA). Đường này còn gọi là đường trung bình động chậm (do sử dụng chu kỳ 26 ngày và 12 ngày).
MACD là hiệu số giữa đường EMA chu kỳ 26 ngày (EMA 26) trừ cho EMA chu kỳ 12 ngày (EMA 12).
Công thức tính: MACD = EMA (giá đóng cửa, 26) – EMA (giá đóng cửa, 12)
Đường tín hiệu
Trên biểu đồ, đường EMA chu kỳ 9 ngày (EMA 9) cũng được dựng lên, đóng vai trò làm đường tín hiệu kích hoạt vị trí đặt lệnh mua bán (Signal Line). Đường này còn được gọi là đường trung bình động nhanh (do sử dụng chu kỳ ngắn hơn).
Khi đường MACD và đường tín hiệu di chuyển gần nhau, ta gọi là “hội tụ” và khi hai đường di chuyển xa nhau, ta gọi là “phân kỳ”. Hiệu giữa đường MACD và đường tín hiệu hình thành nên bản đồ Histogram với các thanh nằm trên và dưới đường 0.
Biểu đồ tần số – MACD Histogram
Biểu đồ tần số (MACD Histogram) là biểu đồ trực quan đo khoảng cách giữa MACD và đường EMA 9, thể hiện bằng các thanh nằm trên hoặc dưới đường Zero.
Công thức tính MACD Histogram: đường MACD – EMA 9
Một điểm đáng lưu ý là các thanh trên Histogram có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Nếu giá đang tăng lên, biểu đồ Histogram sẽ lớn hơn vì xung lượng của giá tăng vọt, và biểu đồ sẽ co lại khi xung lượng của giá giảm lại. Điều ngược lại xảy ra khi giá giảm.
Nếu MACD nằm trên đường 0, đây là dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng và ngược lại, nếu MACD nằm dưới đường 0, đây là dấu hiệu xác nhận xu hướng giảm.
Cách vào lệnh với chỉ báo MACD
Trong tình huống nhà giao dịch xác nhận được thị trường đang trong xu hướng tăng giá, và mức giá phá vỡ ngưỡng kháng cự, lúc này nhà giao dịch có thể đặt lệnh Mua vào (Long).
Ở tình huống ngược lại, nhà giao dịch có thể đặt lệnh bán khống (Short) nếu tài sản giao dịch đang trong xu hướng giảm giá, phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ.
Ba chiến lược giao dịch với chỉ báo MACD phổ biến nhất
Nhà giao dịch vận dụng chỉ báo MACD để tạo ra nhiều chiến lược giao dịch khác nhau để tìm cơ hội vào lệnh tốt nhất cho bản thân. Trong số đó, có ba chiến lược nổi tiếng nhất gồm:
- Đường MACD cắt đường tín hiệu
- Đường MACD (hoặc đường tín hiệu) cắt đường Zero
- Đảo ngược biểu đồ Histogram
Chiến lược đường MACD cắt đường tín hiệu
Chiến lược đơn giản nhất, dễ hiểu nhất là khi quan sát vị trí cắt nhau giữa đường MACD và đường tín hiệu, đây là những vị trí để đặt lệnh mua hoặc bán.
Trong chiến lược này, nhà giao dịch sẽ đặt lệnh mua vào khi đường MACD cắt và vượt lên đường tín hiệu. Ngược lại, khi đường MACD cắt và đi xuống phía dưới đường tín hiệu, đây là vị trí nên đặt lệnh bán ra.
Vì bản chất của chiến lược này là cung cấp tín hiệu trễ hơn so với thị trường đang diễn ra, do đó bạn cần dùng thêm chỉ báo khác, ví dụ như mô hình giá, để xác nhận độ tin cậy và loại trừ các tín hiệu giả.
Hình trên là ví dụ điển hình về chiến lược đường MACD cắt đường tín hiệu, trong đó các vạch xanh lá là điểm vào lệnh phù hợp, và vạch đỏ là điểm vào lệnh không phù hợp do “tín hiệu giả”.
Đường MACD (hoặc đường tín hiệu) cắt đường Zero
Chiến lược này dựa vào giao điểm giữa đường MACD (hoặc đường tín hiệu) với đường 0. Nếu đường MACD cắt đường 0 từ dưới lên, đây có thể là xu hướng tăng, và ngược lại nếu MACD cắt đường 0 từ trên xuống, đây có thể là xu hướng giảm.
Bản chất chiến lược này cũng cung cấp thông tin trễ, do đó bạn sẽ không nhận được quá nhiều tín hiệu, nhưng đồng thời cũng giảm hẳn số lượng tín hiệu giả.
Cách vào lệnh cũng rất đơn giản: bạn sẽ đặt lệnh Mua khi MACD cắt đường 0 từ dưới lên và lệnh bán khi MACD cắt đường 0 từ trên xuống.
Điều quan trọng khi dùng chiến lược này là khi thị trường biến đổi quá nhanh, tín hiệu sẽ “trễ” và không còn chính xác.
Đảo ngược biểu đồ Histogram
Trong số các chiến lược sử dụng MACD, có lẽ chiến lược đảo ngược biểu đồ Histogram mang thế chủ động, hiệu quả rõ rệt hơn cả. Như bạn đã biết, khi xung lượng giá biến động mạnh theo một xu hướng, biểu đồ Histogram sẽ nở ra, và khi xung lượng giảm lại thì biểu đồ sẽ co lại theo.
Nói cách khác, khi các thanh trên Histogram càng dài, nghĩa là MACD càng cách xa đường tín hiệu. Khi bước qua giai đoạn giãn nở này, Histogram sẽ có xu hướng xuất hiện hình bướu. Đây là tín hiệu cho thấy hai đường MACD và đường tín hiệu đang “hội tụ” và có thể “cắt nhau”.
Khi so với hai chiến lược ở trên, chiến lược dựa vào Histogram mang tính chủ động hơn, bằng việc nắm được xu hướng đã biết, nhà giao dịch có thể đặt lệnh trước khi biến động thị trường xảy ra.
Trong hình ví dụ trên, nhà giao dịch đợi 2 xu hướng tăng hình thành liên tục trên Histogram, thì thông thường sẽ có 1 xu hướng giảm, và tiếp theo là xu hướng tăng. Lúc này, nhà giao dịch đặt lệnh mua vào (vạch xanh) và đóng lệnh khi mức giá phá vỡ ngưỡng kháng cự.
Tạm kết
Chỉ báo MACD tuy mới nhìn vào có vẻ phức tạp hơn nhiều so với các chỉ báo kỹ thuật khác trong Forex, tuy nhiên đây là chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất để xác định các điểm vào lệnh và chốt lời. Hy vọng sau bài viết này, bạn có thể hiểu rõ về bản chất của MACD, thử nghiệm các chiến lược giao dịch với MACD và tìm ra phương pháp giao dịch phù hợp nhất cho bản thân mình.